Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của Liên minh châu Âu (EU): Thực thi cam kết WTO không chỉ là nghĩa vụ mà còn là lợi ích

|

Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của Liên minh châu Âu (EU): Thực thi cam kết WTO không chỉ là nghĩa vụ mà còn là lợi ích

“Các thách thức trong giai đoạn hậu WTO đối với Việt Nam sẽ phức tạp và lớn hơn nhiều so với giai đoạn đàm phán gia nhập WTO. Trong đó, thách thức lớn nổi lên là việc Việt Nam phải thực hiện các cam kết của mình trong WTO. Điều này đòi hỏi những nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp, đến mỗi người dân, nếu không Việt Nam sẽ không thể thực hiện được tốt các nghĩa vụ WTO của mình và cũng không thể tận dụng được hết các cơ hội của việc gia nhập WTO mang lại".

Peter Naray

- Ông có cho rằng, việc thực hiện các cam kết trong đàm phán WTO sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam?

- Theo tôi, việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Bởi vì cùng với việc gia nhập WTO, Việt Nam sẽ phải tuân theo tất cả các luật chơi của thương mại quốc tế. Hệ thống các quy định thương mại của Việt Nam sẽ phải tương đồng với hệ thống thương mại của các quốc gia khác trong WTO. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ tạo môi trường đầu tư và tăng cường mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các đối tác khác. Đó cũng chính là thông điệp để Việt Nam gửi tới cộng đồng các nhà đầu tư rằng Việt Nam là một môi trường đầu tư và kinh doanh ổn định. Việc gia nhập WTO sẽ tạo điều kiện cho khoa học công nghệ mới nhất thâm nhập vào Việt Nam, kết hợp với nguồn lao động dồi dào và chăm chỉ của Việt Nam làm cho năng suất lao động tăng lên, từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam.

- Theo ông, lĩnh vực nào của nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi các cam kết hội nhập?

- Khi cam kết gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết giảm rất nhiều dòng thuế. Tuy nhiên, việc giảm thuế sẽ theo lộ trình ít nhất là 5 năm, vì vậy trong suốt thời gian đó, tôi tin tưởng là cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực bị giảm thuế mạnh mẽ cũng có đủ thời gian để chuẩn bị.

Tuy nhiên, tình huống có thể diễn ra khó khăn ở trong lĩnh vực nông nghiệp bởi Việt Nam khó có thể áp dụng ngay các tiến bộ khoa học mới trong một thời gian ngắn. Phần lớn các chuyên gia về WTO đều cho rằng, hai lĩnh vực sản xuất ngô và sản xuất đường của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất do việc gia nhập WTO. Tuy nhiên, dự đoán như vậy có chính xác hay không còn phụ thuộc rất lớn vào những điều chỉnh tự nhiên của thị trường. Tương tự như vậy, ở lĩnh vực dịch vụ cũng rất khó dự đoán khâu nào sẽ bị tác động mạnh nhất. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư nước ngoài và các chuyên gia, khâu phân phối, tập trung vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh thấp sẽ chịu tác động rất lớn. Đồng thời, trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm hay bưu chính viễn thông, sự cạnh tranh cũng sẽ diễn ra rất khốc liệt bởi có rất nhiều công ty nước ngoài có tiềm lực cực mạnh muốn tham gia vào những lĩnh vực này. Tuy nhiên, áp lực chưa tạo ra ngay mà sẽ theo lộ trình để những doanh nghiệp trong các lĩnh vực này có đủ thời gian để chuẩn bị.

Có thể, một lực lượng lao động cũng sẽ phải chịu tác động nhất định do trong một số lĩnh vực sẽ có hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc thậm chí phải giải thể hoặc bị phá sản do phải đối mặt với sự cạnh tranh tăng lên. Tuy nhiên, những người bị thất nghiệp trong một số ngành gặp khó khăn, họ lại có thể tìm thấy những cơ hội việc làm khác vì việc gia nhập WTO mang lại nhiềucơ hội đầu tư và có rất nhiều doanh nghiệp sẽ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư.

- Từ thực tế đó, ông có lời khuyên gì để Việt Nam có thể thực hiện tốt các cam kết và hạn chế được các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới nền kinh tế?

- Theo tôi, Chính phủ Việt Nam cần có những phân tích thấu đáo xem những tác động sẽ xảy ra là gì, từ đó có thể xây dựng các chính sách về mặt xã hội để có thể giảm thiểu những tác động đó. Trong lĩnh vực nông nghiệp chẳng hạn, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ nông dân gặp bất lợi hoặc thất nghiệp do cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn. Việc hỗ trợ có thể là thông qua việc được đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nông dân ở cả những lĩnh vực khác để họ có nhiều cơ hội tìm việc làm.

Để đối phó với sự cạnh tranh tăng lên, cộng đồng doanh nghiệp trong các lĩnh vực cũng sẽ phải tự mình nhận ra cần làm gì để đối phó với các tình huống, thí dụ như phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để tăng năng suất, sử dụng lao động nhỏ để bảo đảm có đủ năng lựccạnh tranh.

Tôi xin nhấn mạnh đến vai trò của việc nâng cao nhận thức vì cộng động các nhà sản xuất, các nhà cung cấp dịch vụ và cả người nông dân cũng cần phải biết rõ WTO là gì, WTO sẽ tác động ra sao, mang lại lợi ích gì để họ có thể lập kế hoạch ứng phó cho mình.

- Vậy theo ông, Việt Nam có đủ năng lực để thực hiện các cam kết của mình trong WTO?

- Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện các cam kết của mình. Về mặt khung pháp lý chẳng hạn, Quốc hội Việt Nam đã chuẩn bị một loạt các khung pháp lý ít nhất là sẵn sàng để có thể thực hiện ngay các cam kết của mình trong WTO bởi Quốc hội Việt Nam đã thông qua  rất nhiều dự luật.

Tuy nhiên, trong quá trình Việt Nam thực hiện các cam kết WTO, thời gian đầu có thể chưa được trôi chảy nhưng hiệu quả sẽ dần được nâng cao trong những năm tiếp theo vì trong quá trình thực hiện, mọi người sẽ học hỏi và tích lũy được các kinh nghiệm.

- Xin cảm ơn ông!